Tuyển tập những câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại bạn cần biết

Trương Lý   Thứ sáu, 28/05/2021

Khi nhận được đề nghị của nhà tuyển dụng về các câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại, liệu bạn có cảm thấy lo lắng vì chưa từng trả lời phỏng vấn qua điện thoại? Đừng căng thẳng. Chúng tôi sẽ cung cấp danh sách các câu hỏi mà nhà tuyển dụng thường phỏng vấn qua điện thoại.

Các câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại cũng căng thẳng không kém phỏng vấn trực tiếp, là một trong những thử thách đầu tiên giúp bạn chinh phục nhà tuyển dụng. Nhiều nhà tuyển dụng vì muốn tiết kiệm thời gian nên sẽ chọn phỏng vấn qua điện thoại. Dưới đây là một số câu hỏi mà nhà tuyển dụng thường dùng để phỏng vấn ứng viên qua điện thoại, giúp bạn có thêm thông tin để chinh phục nhà tuyển dụng một cách ấn tượng nhất.

1. Phỏng vấn qua điện thoại tại sao quan trọng?

Phỏng vấn qua điện thoại vô cùng thuận thiện, nó phù hợp trong trường hợp các ứng viên ở xa công ty, tiết kiệm thời gian và chi phí cho đôi bên. Thời gian trung bình cho một cuộc phỏng vấn qua điện thoại là 30 phút, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng sàng lọc được ứng viên một cách tối ưu nhất.

Phỏng vấn qua điện thoại tại sao quan trọng?

Mục đích của nhà tuyển dụng muốn thông qua cuộc phỏng vấn này để xem ứng viên ấy có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không và kiểm tra được kỹ năng giao tiếp của ứng viên.

Ngay từ lúc bắt đầu, phỏng vấn qua điện thoại nên trả lời ngắn gọn, tránh lan man, dài dòng, gây mất thời gian đôi bên.

Xem Thêm : Giấy khám sức khỏe – cách xin và những điều bạn cần biết

2. Các câu hỏi mà nhà tuyển dụng thường phỏng vấn qua điện thoại?

2.1. Hãy giới thiệu sơ qua về bản thân bạn?

Khi nhà tuyển dụng hỏi bạn câu này, bạn nên trình bày ngắn gọn về tên, tuổi, ngành học, trình độ ngoại ngữ và tin học, kinh nghiệm làm việc của bạn,… Khi trả lời câu hỏi, bạn hãy trả lời tự tin, giúp phô ra được năng lực làm việc và trình độ của mình.

Bạn có thể trả lời qua hình thức “quá khứ-hiện tại-tương lai”. Bạn đã từng làm công việc gì trong quá khứ, có kinh nghiệm gì trong hiện tại và kết thúc bằng mong muốn làm việc trong tương lai, mục tiêu liên quan đến công việc bạn ứng tuyển. Bạn hãy tập trung nói cho nhà tuyển dụng biết những kỹ năng và kinh nghiệm tốt nhất của bạn, để nhà tuyển dụng thấy được khả năng của bạn với vị trí công việc này. Hãy kết thúc với lời giải thích tại sao bạn muốn ứng tuyển cho vị trí này.

Các câu hỏi mà nhà tuyển dụng thường phỏng vấn qua điện thoại?

2.2. Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?

Mục đích nhà tuyển dụng hỏi bạn câu này là muốn biết cách làm việc và đạo đức làm việc của bạn có tốt hay không. Bạn hãy trả lời câu hỏi này một cách trung thực và tích cực. Bạn rời công ty cũ vì lý do công việc không phù hợp với bạn, môi trường làm việc không thích ứng, bạn không tìm thấy cơ hội phát triển bản thân và muốn ra đi tìm một công việc tốt đẹp hơn,… Hãy cho nhà tuyển dụng thấy cách trả lời thông minh và tích cực của bạn.

Bạn không cần đi vào những vấn đề nhỏ nhặt như bất đồng với đồng nghiệp cũ, bị sa thải,… Trả lời như vậy sẽ gây bất lợi đối với bạn.

Cho dù nghỉ việc ở công ty cũ với lý do nào, bạn cũng không được nói xấu đồng nghiệp, cấp trên ở công ty cũ cho dù ấm ức đi chăng nữa. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào những gì bạn có thể hoàn thành được.

Hãy trả lời một cách tích cực, cho nhà tuyển dụng thấy bạn đang tìm kiếm từ một công việc mới thay vì những điều bạn không thích về công việc cũ.

Xem thêm: 3 điều cần phải làm trong lần đầu đi phỏng vấn xin việc

2.3. Tại sao bạn biết đến công việc này?

Tại sao bạn biết đến công việc này?

Nhà tuyển dụng muốn biết lý do tại sao bạn lại biết đến công việc này ở công ty họ, họ muốn biết kênh nào mà ứng viên biết đến tin tuyển dụng của họ nhiều nhất. Nếu bạn biết được công việc này qua bạn bè, đây có thể là thông tin quan trọng mà người phỏng vấn muốn biết. Hãy chọn ra những điểm nổi bật của công ty, ví dụ như thương hiệu, sứ mệnh, sản phẩm, độ nổi tiếng của công ty. Có thể giải thích thêm rằng bạn rất ngưỡng mộ công ty và niềm yêu thích với công việc mà bạn ứng tuyển.

2.4. Bạn biết gì về công ty chúng tôi?

Nhà tuyển dụng muốn biết bạn đã tìm hiểu về công ty của họ hay chưa. Bạn cần đọc trước về lịch sử hình thành, cách thức làm việc, tầm nhìn, sứ mệnh của công ty. Bạn phải thể hiện rõ sự nhiệt tình với công việc này bằng cách chuẩn bị kỹ càng câu trả lời và trả lời mạch lạc, thể hiện niềm yêu thích với công ty. Giải thích với họ rằng vì sao bạn đề cao và ngưỡng mộ công ty, chỉ ra dẫn chứng cho thấy chúng gắn kết với cá nhân bạn.

2.5. Kỹ năng làm việc của bạn là gì?

Đặc biệt là nếu bạn đang đăng ký vị trí kỹ thuật, các câu hỏi về kỹ năng của bạn là phổ biến. Vậy nên, khi bạn liệt kê kỹ năng trong hồ sơ của bạn, bạn sẽ được nhà tuyển dụng hỏi về nó. Đó là lý do vì sao chúng tôi khuyên bạn nên kể về một câu chuyện đã được học về một kỹ năng cụ thể nào đó mà bạn đã liệt kê trong CV, nhà tuyển dụng muốn biết những kỹ năng bạn có và liệu nó có đúng sự thật hay không. Bạn hãy nói về lần gần nhất sử dụng kỹ năng đó, để nhà tuyển dụng tin rằng bạn có năng lực trong công việc.

2.6. Bạn muốn mức thu nhập là bao nhiêu?

Bạn muốn mức thu nhập là bao nhiêu?

Nhiều trường hợp nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn về mong muốn mức lương trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại, để loại bỏ các ứng viên có nhu cầu mức lương cao hơn ngân sách của họ. Bạn cần tìm hiểu trước các thông tin về nhà tuyển dụng đăng tải, và đưa ra con số phù hợp với vị trí ứng tuyển, đồng thời khẳng định được giá trị của bản thân. Hãy nhớ rằng, không nên hỏi về mức lương khi nhà tuyển dụng chưa chủ động đề cập đến, điều này giúp bạn giành được vị thế tốt hơn với mức lương mong muốn sau này và gây được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

2.7. Bạn mong muốn được làm việc trong một môi trường như thế nào?

Khi nhà tuyển dụng hỏi bạn câu này, họ muốn biết bạn thích văn hóa và môi trường làm việc như thế nào, xem xét bạn có phù hợp với công ty của họ hay không, có thể làm việc lâu dài với công ty hay không. Nếu bạn không thích các văn phòng có nhiều người làm việc hoặc nếu bạn dự định làm việc ở nhà vài buổi trong tuần, sẽ giúp họ biết được phong cách làm việc của bạn. Thêm vào đó, họ muốn hiểu rõ hơn về cá tính của bạn.

Nếu bạn thực sự mong muốn được vào làm việc tại công ty, bạn hãy tìm hiểu trước về văn hóa công ty đó, hỏi bạn bè hoặc người thân có quan hệ với nhân viên trong công ty, hoặc tìm kiếm review về công ty qua các trang mạng xã hội. Hãy chuẩn bị câu hỏi này để không bị bối rối và bị động khi nhà tuyển dụng hỏi bạn câu này nhé.

2.8. Điểm mạnh và điểm yếu của bạn?

Nhà tuyển dụng muốn biết những thế mạnh và điểm yếu của bạn, từ đó xem xét bạn có phù hợp với nhu cầu của công ty họ hay không.

Khi trả lời về điểm mạnh của bạn, bạn hãy nêu ra các đức tính tốt như: cần cù, chăm chỉ, có tính cầu tiến, ham học hỏi,…Bạn nêu ra trình độ của mình, như có trình độ chuyên môn cao, trình độ ngoại ngữ và tin học văn phòng tốt. Để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn nổi bật hơn những ứng viên khác thì bạn nên nghĩ ra điểm mạnh của mình là gì, có gì đặc biệt hơn những ứng viên khác không nhé.

Về điểm yếu, bạn nên trả lời một cách khéo léo. Nếu trả lời quá nhiều điểm tiêu cực, khả năng cao là bạn không trúng tuyển đấy. Bạn cần trả lời các điểm yếu mà không khiến nhà tuyển dụng sợ hãi, như không có khả năng đứng trước đám đông, quá cầu toàn, hướng nội,…

Bạn nên trả lời các điểm mạnh và điểm yếu một cách tích cực, cho nhà tuyển dụng thấy bạn phù hợp với công việc này và cách khắc phục điểm yếu trong tương lai.

2.9. Bạn có đang tham gia phỏng vấn ở công ty nào khác không?

Bạn có đang tham gia phỏng vấn ở công ty nào khác không?

Khi nhận được câu hỏi này bạn có thể cảm thấy khó xử. Để không cảm thấy lúng túng và bất ngờ, bạn cần có sự chuẩn bị.

Nhà tuyển dụng muốn biết ngoài công ty của họ, bạn còn phỏng vấn công ty khác hay không. Họ muốn đảm bảo rằng bạn không muốn ứng tuyển ở công ty khác và biết được tính cách của bạn.

Bạn có thể trả lời câu hỏi này ví dụ như “Tôi đã thực hiện vài cuộc phỏng vấn ở công ty khác, nhưng tôi cảm thấy năng lực với môi trường làm việc ở đây phù hợp với công việc mà tôi mong muốn”.

Xem thêm: Cách giới thiệu bản thân khiến nhà tuyển dụng không thể hài lòng hơn

2.10. Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?

Chỉ có một câu trả lời mà nhà tuyển dụng chấp nhận là: Có. Tránh trả lời là không, bạn sẽ gây mất điểm với nhà tuyển dụng. Để trả lời câu hỏi này, bạn cần lắng nghe các câu hỏi của nhà tuyển dụng với bạn và nêu ra thắc mắc của mình.

Việc có câu hỏi cho người phỏng vấn cho thấy bạn thực sự nghiêm túc và quan tâm đến công việc này. Có thể hỏi một số câu hỏi như: thời gian làm việc sau khi tôi được tuyển dụng, có yêu cầu cách ăn mặc hay không chẳng hạn,…

Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?
Xem Thêm : Hướng dẫn ghi trình độ văn hóa trong sơ yếu lý lịch hiệu quả

3. Một số lưu ý khi phỏng vấn qua điện thoại

Bạn cần nghe kỹ câu hỏi của nhà tuyển dụng, tránh ngắt lời của họ. Khi trả lời phỏng vấn bạn cần trả lời tự tin, rõ ràng và mạch lạc. Phỏng vấn qua điện thoại nên bạn cần tìm một chỗ yên tĩnh, tránh nơi ồn ào, gây khó chịu cho nhà tuyển dụng.

Đôi khi di chuyển trong không gian sẽ giúp bạn linh hoạt và nhạy bén hơn trong mọi câu hỏi. Việc bạn liên tục di chuyển sẽ giúp bạn trở nên hào hứng hơn, đặc biệt là qua giọng nói. Người phỏng vấn sẽ cảm nhận được rằng bạn mong chờ cuộc phỏng vấn này và bạn đã sẵn sàng trả lời các câu hỏi phỏng vấn.

Một số lưu ý khi phỏng vấn qua điện thoại

Tránh việc ăn uống quá đà trước khi tham gia phỏng vấn, dẫn đến việc đi ngoài là không hay. Bạn không nên ăn kẹo khi đang trả lời phỏng vấn, sẽ làm cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn không tôn trọng họ, thái độ không lịch sự và thiếu chuyên nghiệp. Ngoài ra, ăn kẹo sẽ khiến giọng nói của bạn trở nên khó nghe, phát ra âm thanh khó chịu qua điện thoại.

Hãy chuẩn bị một cốc nước lọc. trong thời gian phỏng vấn bạn có thể uống một chút nước, giúp giọng nói của bạn trở nên mượt mà hơn và tự tin hơn khi nói chuyện.

Trong thời gian trả lời câu hỏi, nên trả lời đúng ý mà nhà tuyển dụng hỏi bạn. Tránh trả lời lan man, dài dòng và không đúng ý, trả lời đúng chủ đề để tránh lãng phí thời gian. Nếu bạn nói quá nhiều, nhà tuyển dụng sẽ không khai thác được thông tin từ bạn, điều này có thể khiến bạn bị tuột mất cơ hội.

Bạn cần thành thật trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng. Trước khi gọi cho bạn, nhà tuyển dụng đã nắm trong tay CV mà bạn đã gửi đến cho họ. Khi bạn trả lời không đúng với CV, nhà tuyển dụng sẽ nghĩ bạn không trung thực và bạn sẽ không nhận được công việc này.

Trên đây là một số câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại và gợi ý bạn trả lời một cách hợp lý qua vieclam24h.net.vn. Mong rằng những câu trả lời trên đây sẽ giúp bạn chuẩn bị trả lời phỏng vấn tốt hơn và tìm được công việc phù hợp. Chúc bạn thành công!

Bài Viết Nổi Bật