Làm thời vụ là gì? Những quy định pháp luật việc làm thời vụ

Theo dõi tuyendung3s tại

Nguyễn Hương Anh  

Bạn đang mong muốn tìm một công việc thời vụ làm trong thời gian ngắn để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Vậy bạn đã thật sự hiểu làm thời vụ là gì chưa?

Trong nền kinh tế hiện đại ngày nay việc làm thời vụ đã và đang rất phổ biến, xuất phát từ nhu cầu thị trường việc làm ngày càng tăng cao và đặc thù của công việc theo mùa vụ. Nếu bạn đang có ý định tìm một công việc thời vụ, hãy đọc bài viết này để hiểu rõ thêm làm thời vụ là gì? Những quy định pháp luật về việc làm thời vụ để nắm được trách nhiệm và những quyền lợi của mình nhé.

1. Làm thời vụ là gì?

Từ xa xưa, người nông dân đã có các công việc canh tác, trồng lúa hay hoa màu theo mùa vụ. Tức là trong một năm, vào một mùa nhất định họ sẽ trồng một loại cây, lương thực thích hợp với mùa đó. Trong lao động hiện nay cũng vậy, đến Tết nhu cầu mua bán của người dân tăng lên đột biến, hay đến các mùa du lịch cũng thế… Từ đây, việc làm thời vụ ra đời.

Trước hết việc làm thời vụ đảm bảo nguồn lượng nhân lực cho tổ chức doanh nghiệp, công ty trong thời gian cao điểm. Về phía người lao động, việc làm thời vụ thích hợp với các học sinh, sinh viên muốn tìm việc làm thêm trong thời gian nghỉ hè để trang trải học phí và thỏa mãn các nhu cầu cá nhân. Kể cả các bạn học sinh dưới 15 tuổi cũng có thể đi làm, chỉ cần được sự đồng ý của người đại diện pháp luật là ba mẹ, người giám hộ. Thanh niên đang trong độ tuổi lao động chưa tìm được công việc thích hợp có thể làm thời vụ để tích lũy kinh nghiệm. Người lao động trong độ tuổi trung niên đã về hưu muốn kiếm thêm thu nhập nhưng không muốn làm các công việc quá phức tạp, mất nhiều sức lực. Những người có quỹ thời gian làm việc linh động có thể làm thêm các công việc thời vụ tuy nhiên những người này cần sắp xếp thời gian làm việc hợp lý để đảm bảo hiệu quả công việc chính và công việc phụ. Nói chung hầu hết các đối tượng đều có thể làm một việc làm thời vụ do tính chất công việc khá đơn giản, không yêu cầu kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cao.

Những công việc làm thời vụ thường là các công việc đơn giản như công việc bán hàng, các công việc chân tay. Do chỉ làm trong thời gian ngắn, không có nhiều thời gian training, đào tạo kỹ càng. Tuy nhiên trong một số trường hợp công việc thời vụ cũng mang tính chất thường xuyên có thể vì một vài lý do: nhân viên của công ty nghỉ theo chế độ thai sản, đi nghĩa vụ quân sự hoặc bị ốm, tai nạn và nghỉ trong một thời gian ngắn. Việc làm thời vụ thông thường chỉ kéo dài từ 3-6 tháng. Còn theo quy định của pháp luật hợp đồng lao động thời vụ chỉ có thời hạn dưới 12 tháng.

Về mức lương của việc làm thời vụ sẽ được trả theo mức khoán công việc, sẽ không có thang bảng lương, hệ số bằng cấp theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên lao động thời vụ vẫn có quyền được đóng bảo hiểm xã hội khi làm việc từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng theo quy định mới nhất của Luật lao động.

làm thời vụ là gì?

Làm thời vụ là gì?

Thông qua những thông tin trên, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản về việc làm thời vụ đó là: các công việc được ký kết, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động trong một thời gian nhất định theo quy định của pháp luật. Sau khi hoàn thành công việc người lao động sẽ nghỉ hoặc chờ đến lúc doanh nghiệp cần để ký hợp đồng thời vụ khác của công ty này hoặc công ty khác có nhu cầu.

2. Những quy định của pháp luật về việc làm thời vụ

2.1. Điều kiện để ký hợp đồng lao động thời vụ

Để xác định được điều kiện để ký kết hợp đồng lao động thời vụ trước hết chúng ta phải xác định được tính chất của công việc. Các công việc có tính chất tạm thời, không thường xuyên hoặc thời hạn dưới 12 tháng và không có tính liên tục trên 12 tháng sẽ đủ điều kiện để ký kết hợp đồng lao động thời vụ.

Theo quy định của Luật lao động 2012 tại Khoản 3 Điều 22, các công việc thời hạn từ 12 tháng trở lên thì sẽ không được phép ký kết hợp đồng lao động thời vụ. Trừ một số trường hợp:

- Phụ nữ nghỉ chế độ thai sản, người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự

- Người lao động bị tai nạn bất ngờ, bị ốm phải nghỉ việc trong một thời gian ngắn dưới 12 tháng.

Ngoài hai trường hợp trên, người sử dụng lao động nếu cố tình vi phạm, thuê lao động ngắn hạn để thực hiện các công việc có tính liên tục trên 12 tháng sẽ bị xử phạt hành chính từ 500.000 đến 20.000.000 tùy theo số lượng lao động mà họ vi phạm.

hợp đồng lao động thời vụ

2.2. Hình thức và thời hạn của hợp đồng lao động thời vụ

Có hai hình thức giao kết hợp đồng: giao kết hợp đồng bằng lời nói và giao kết hợp đồng bằng văn bản. Hình thức giao kết hợp đồng tùy thuộc vào thời hạn hợp đồng. Đối với các công việc có thời hạn dưới 3 tháng, các bên có thể thỏa thuận với nhau bằng lời nói. Còn đối với các công việc có thời hạn từ 3 tháng trở lên thì người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc phải giao kết với nhau bằng văn bản.

Về thời hạn, sau 30 ngày kể từ khi hợp đồng lao động thời vụ hết hạn, nếu người lao động và người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng mới thì nghiễm nhiên hợp đồng lao động thời vụ sẽ tự động chuyển sang hợp đồng lao động xác định thời hạn, và thời hạn là 24 tháng. Tuy nhiên số lần ký kết hợp đồng lao động thời vụ giữa hai bên không bị giới hạn số lượng.

Theo điều kiện giao kết hợp đồng lao động ở trên, thời hạn hợp đồng không được phép quá 12 tháng. Vì thế tổng thời gian của các lần ký hợp đồng thời vụ trong năm không được vượt quá 12 tháng. Ví dụ 1 năm chủ sử dụng lao động và người lao động ký hợp đồng lao động thời vụ 3 lần và tổng thời gian 3 lần là 14 tháng. Trong trường hợp này, hợp đồng lao động thời vụ mang tính chất thường xuyên 12 tháng trở lên và đã vi phạm quy định pháp luật.

2.3. Chính sách Bảo hiểm xã hội đối với Hợp đồng lao động thời vụ

Theo quy định của Luật lao động, các đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xác định thời hạn, hợp đồng lao động thời vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 3 đến 12 tháng, kể cả đối với người lao động dưới 15 tuổi, được ký kết giữa chủ sử dụng lao động và người đại diện pháp luật.

Như vậy, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thời vụ từ đủ 1 tháng trở lên bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm. Tuy nhiên hiện nay rất ít công ty thuê lao động thời vụ và đóng bảo hiểm. Vì thế bạn cần tìm hiểu và nắm rõ luật để đảm bảo quyền lợi của mình.

2.4. Lợi ích của người lao động khi ký kết hợp đồng lao động thời vụ

Theo quy định của Luật lao động năm 2012, Khoản 2 điều 26, người lao động không cần trải qua thời gian thử việc khi ký kết hợp đồng lao động thời vụ. Đây thật sự là một lợi ích lớn của người lao động khi hiện nay, rất nhiều công ty doanh nghiệp có thời gian thử việc dài 1-3 tháng, thậm chí còn có thời gian học việc không lương.

Ngoài ra, người lao động còn được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng các điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như các loại hợp đồng dài hạn khác. Và tất nhiên họ vẫn được pháp luật bảo vệ và đảm đảm các quyền lợi chính đáng theo quy định của pháp luật như đuổi việc vô cớ, bóc lột sức lao động, chậm lương, thiếu lương,.. Được tòa án giải quyết nếu xảy ra tranh chấp, bất đồng với người sử dụng lao động.

2.5.  Nội dung của hợp đồng lao động thời vụ

Hợp đồng lao động thời vụ phải đảm bảo đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của Luật lao động 2012:

- Họ tên đầy đủ, địa chỉ của người sử dụng lao động hoặc người đại diện hợp pháp của tổ chức doanh nghiệp đó

- Người lao động cần đầy đủ các thông tin: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quê quán, địa chỉ thường trú, số chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc giấy tờ hợp pháp khác

- Nội dung công việc và địa điểm làm việc

- Thời hạn hợp đồng bắt đầu và kết thúc vào ngày, tháng, năm nào

- Mức lương, phụ cấp và các khoản trợ cấp khác, hình thức và thời gian trả lương

- Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi

- Các nội dung khác liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của hai bên.

Trong quá trình hợp đồng lao động đang diễn ra, nếu người lao động hoặc người sử dụng lao động có yêu cầu sửa đổi, bổ sung những điều khoản trong hợp đồng cần báo trước ít nhất 3 ngày làm việc những nội dung đó.

3. Những điều cần chú ý khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thời vụ

quy định việc làm thời vụ

Trong nhiều trường hợp, quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bạn không nắm rõ các quy định của pháp luật. Trong nội dung tiếp theo, chúng tôi sẽ chia sẻ những thông tin cần thiết để bảo vệ bạn khi bạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Theo quy định Bộ luật lao động 2012, tại Điều 37, người lao động khi muốn nghỉ việc trước thời hạn hợp đồng cần phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 3 ngày làm việc. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây:

- Không được bố trí đúng công việc, thời gian, địa điểm làm việc và không được đảm bảo điều kiện làm việc như đã thỏa thuận trong hợp đồng.

- Không được trả lương, thưởng đầy đủ, đúng thời hạn như đã cam kết

- Bị ngược đãi, bóc lột sức lao động, quấy rối tình dục

- Bị ốm, tai nạn lao động và đã điều trị ¼ thời gian hợp đồng mà khả năng lao động vẫn chưa hồi phục.

- Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục công việc

- Được bầu làm việc hoặc được bổ nhiệm chức vụ trong bộ máy nhà nước

Ngoài ra đối với phụ nữ mang thai, thời gian chấm dứt hợp đồng được xác định dựa trên chỉ định của bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền.

Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng tất nhiên không được hưởng trợ cấp thôi việc. Vì theo quy định pháp luật, trợ cấp thôi việc chỉ áp dụng cho lao động thường xuyên từ 12 tháng trở lên.

Ngược lại, nếu như người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với người lao động cũng cần phải báo trước cho người lao động ít nhất 3 ngày làm việc

Bài Viết Liên Quan

BÌNH LUẬN

TRẢ LỜI BÌNH LUẬN

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Thông Báo

Thoát

Bạn có tin nhắn mới từ :